
Võ Duy Dương, tức Thiên Hộ Dương, vị anh hùng kiệt xuất của nhân dân Đồng Tháp Mười trong buổi đầu kháng Pháp xâm lược Nam Kỳ, là người con của dòng họ Võ ở thôn Cù Lâm Nam Nhơn Lộc khi xưa, nay là Nam Tượng 1 - Nhơn Tân. Theo gia phả của dòng họ Võ còn ghi lại, Võ Duy Dương là con thứ của ông Võ Hữu Đức, đời thứ bảy của ông tổ Võ Hữu Man từ Bắc vào sinh cơ lập nghiệp tại đất An Nhơn Bình Định. Võ Duy Dương sinh năm 1827, tức năm Đinh Hợi Minh Mạng thứ 8 tại một làng nhỏ dưới chân núi Thơm (tục gọi là núi Chà Rang) ở thôn Nam Tượng 1 - Nhơn Tân. Dòng họ Võ đến đời ông Võ Hữu Đức chuyên nghề làm ruộng, dù có nhiều vất vả, nhưng ông vẫn cố gắng cho Võ Duy Dương đi học chữ Nho với thầy đồ trong thôn, ông Võ Nghệ hiện còn sống ở Nam Tượng - Nhơn Tân, cháu gọi Võ Duy Dương bằng ông cố kể lại, thuở thiếu thời Võ Duy Dương nổi tiếng khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, thường tụ tập bạn bè chia phe đánh trận giả. Khi cha mất sớm gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, Võ Duy Dương phải đi chăn trâu. Một vị quan sở tại vì yêu mến tài võ nghệ và cảm phục chí khí hơn người đã nhận Võ Duy Dương làm con nuôi tiếp tục rèn đức luyện tài. Trong một kỳ thi võ, ông cử được một lúc năm quả linh (mỗi quả 60 cân theo đơn vị đo lường thời xưa) bằng cách tay xách hai trái hai nách kẹp hai trái và miệng cắn một trái. Từ đó, mọi người thường gọi là Ngũ Linh Dương, năm 1855, tức năm Ất Mão Tự Đức thứ 8, Võ Duy Dương lấy vợ là Phạm Thị Liệu ở thôn Tráng Long - Nhơn Lộc và có người con trai đầu là Võ Duy Cung. Hiện nay mộ bà Phạm Thị Liệu vẫn còn tại khu mộ của dòng họ Võ dưới chân núi Thơm. Hưởng ứng chính sách khai hoang lập ấp ở vùng Đồng Tháp Mười do triều đình Tự Đức ban hành, năm 1857 Võ Duy Dương từ biệt vợ con để cùng hàng trăm trai tráng lên đường vào Nam, đến đất Ba Giồng (Định Tường khi xưa, Đồng Tháp ngày nay) chiêu dân lập đồn điền và kết bạn thân với Nguyễn Hữu Huân, tức thủ khoa Huân. Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tấn công bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược đất nước ta. Tháng 2 năm 1859 quân Pháp tiến vào Nam đánh thành Gia Định. Cùng với quân triều đình Tự Đức, dân ấp dân lân từ các đồn điền của Trương Định, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân đứng lên chiến đấu bảo vệ thành Gia Định. Nhân dân các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long quyên góp tiền bạc, rèn vũ khí cho nghĩa quân đánh Pháp, song không thắng được giặc. Sau hơn một tháng cầm cự thành Gia Định bị thiêu hủy, quân Pháp trở về Đà Nẵng. Do chiêu mộ được nghĩa quân chống Pháp, tháng 5-1859, Võ Duy Dương được triều đình phong chức Chánh quản đạo, Nguyễn Hữu Huân được phong Phó quản đạo.
Tháng 11 năm 1859, thất bại trong kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, thực dân Pháp vừa thương thuyết với triều đình Tự Đức, vừa quay trở lại xâm chiếm Gia Định Võ Duy Dương cùng thuộc hạ vượt biển Đông về Huế gặp vua Tự Đức dâng kế phá giặc, nhưng lại cử đi dẹp cướp biển ở Quảng Ngãi. Thắng trận này Võ Duy Dương được phong chức Thiên Hộ, hàm Chánh bát phẩm nên thường gọi là Thiên Hộ Dương. Giặc Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ, tháng 5-1861, Võ Duy Dương theo Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh vào Nam mộ nghĩa quân tại Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên chống Pháp. Mộ được hơn 1.000 nghĩa quân, Võ Duy Dương cùng Nguyễn Hữu Huân xây dựng căn cứ Bình Cách - Định Tường và đồn Mỹ Quý - Tân Thành, tổ chức những trận đánh tập kích quân Pháp ở Cái Bè và Cai Lậy. Thời kỳ này ở miền Đông Nam bộ, cùng với Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân, nhiều lãnh tụ xuất hiện trong phong trào nghĩa quân đánh Pháp như Trương Định ở An Giang. Nguyễn Trung Trực ở Vàm Cỏ Đông, Bùi Quang Diệu ở Cần Giuộc và Trần Xuân Hòa ở Định Tường. Giữa lúc phong trào đánh Pháp đang lên mạnh, triều đình Tự Đức ký Hòa ước (1862) nhường các tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, rút hết quân triều đình và lệnh giải tán nghĩa quân. Cùng với Trương Định, Võ Duy Dương chống lệnh triều đình, tiếp tục kêu gọi nhân dân đứng lên chống giặc Pháp. Sau nhiều trận đánh và nhiều lần các căn cứ Bình Cách, Giồng Cát, Giai Mỹ - Cái Bè bị bao vây, Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân chuyển sang hoạt động tại Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Tháng 5-1863, Nguyễn Hữu Huân bị bắt ở An Giang, giặc tịch thu toàn bộ tiền bạc, vũ khí do nghĩa quân quyên góp được. Giặc ráo riết truy lùng, Võ Duy Dương rút vào Đồng Tháp Mười, một vùng mênh mông sông nước, bạt ngàn lau sậy, giao thông cách trở có vị trí chiến lược về quân sự, phát lời kêu gọi nhân dân ủng hộ, tham gia kháng chiến và tiến hành xây dựng khu căn cứ Gò Tháp. Tháng 8-1863, Trương Định hy sinh tại Gò Công. Nguyễn Hữu Huân bị kết án khổ sai đày đi Nam Mỹ. Bất chấp lời phủ dụ ngừng chiến, lệnh cấm chiêu mộ nghĩa quân của triều đình và sự đe dọa tàn sát của giặc Pháp. Võ Duy Dương tiếp tục phất cao ngọn cờ kháng chiến chống xâm lược, tiếp nhận nhiều lãnh tụ nghĩa quân khác về vùng xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, trong đó có Trương Quyền (con Trương Định). Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), tổ chức nhiều trận đánh lớn gây cho giặc Pháp thiệt hại nặng nề. Tháng 4 năm 1866, giặc Pháp tập trung quân với nhiều vũ khí đạn dược tối tân chia làm ba hướng vào căn cứ Đồng Tháp Mười sau một tuần chiến đấu ác liệt. Biết không thể chống lại quân giặc. Võ Duy Dương cho nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng. Căn cứ Đồng Tháp Mười thất thủ, Võ Duy Dương kết hợp với Á Xoa lãnh tụ nghĩa quân người Khơme tấn công các Đồn Tây Ninh, làm cho quân Pháp ăn không ngon ngủ không yên, hao người, tốn nhiều vũ khí đạn dược. Do vậy, giặc Pháp phản đối triều đình Tự Đức, nghi ngờ có sự giúp sức cho nghĩa quân. Quá nhu nhược, vua Tự Đức có chỉ dụ công khai truy bắt Võ Duy Dương và Trương Quyền. Tháng 10 năm 1866, trên đường ra Bình Thuận đến địa phận Cần Giờ tại mũi Thị Khiết, Võ Duy Dương cùng những người tùy tùng thân tín không may bị giặc cướp biển do Lý Sen cầm đầu sát hại. Khi ấy Võ Duy Dương mới 39 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa Đồng Tháp Mười do Võ Duy Dương lãnh đạo tiêu biểu cho phong trào kháng Pháp giai đoạn cuối của nhân dân ba tỉnh miền Đông trước khi triều đình nhà Nguyễn giao tiếp ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho thực dân Pháp đã chấm dứt sau cái chết oan uổng của Võ Duy Dương.
Tưởng nhớ đến Võ Duy Dương, một tấm gương yêu nước sáng ngời, người anh hùng của Đồng Tháp Mười kiên cường quật khởi, nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng đền thờ ông và Đốc Binh Kiều tại Gò Tháp - xã Mỹ Hòa - huyện Tháp - Mười, hằng năm tết lễ rất long trọng vào ngày 15, 16 tháng 11 âm lịch. Đền thờ này được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Đồng Tháp Mười do Võ Duy Dương lãnh đạo, Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tư liệu có liên quan đến Võ Duy Dương, đi thực tế về quê hương Nhơn Tân - An Nhơn để tìm hiểu gia thế và lịch sử dòng họ Võ của ông. Được sự quan tâm giúp đỡ của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định, Trung tâm Văn hóa TT-TT huyện An Nhơn và UBND xã Nhơn Tân, dòng họ Võ Nam Tượng - Nhơn Tân được cấp đất xây dựng Nhà tưởng niệm để thờ Võ Duy Dương tại quê hương. Nhà tưởng niệm được xây dựng theo kiểu đền vũ, có bia văn ghi tiểu sử, câu đối ca ngợi công lao khí tiết Võ Duy Dương. Bên trong có đền thờ, tượng bán thân và ảnh Võ Duy Dương được phỏng theo tài liệu cũ. Người trông coi Nhà tưởng niệm Võ Duy Dương là ông Võ Hồng Thanh và ông Võ Nghệ hiện ở thôn Nam Tượng - Nhơn Tân. Hằng năm đến ngày giỗ Võ Duy Dương, con cháu họ Võ ở các xã trong huyện Tây Sơn và huyện An Nhơn về thắp hương, tưởng niệm vì tổ phụ cao quý của người anh hùng của nhân dân trong thời kỳ đầu kháng Pháp xâm lược.
T.H